Căn cứ vào Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện một số nội dung về nhãn hàng hoá như sau:
1. Ghi nhãn phụ
Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá (sau đây gọi tắt là Nghị định 89/2006/NĐ-CP). Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc.
Trường hợp ghi thêm những nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hàng hóa mà nhãn gốc không có thì tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với nội dung ghi. Những nội dung ghi thêm trên nhãn phụ không được gây hiểu sai nội dung của nhãn gốc.
2. Phân biệt bao bì thương phẩm với bao bì chứa đựng hàng hoá không phải là bao bì thương phẩm
Các loại bao bì không gọi là bao bì thương phẩm:
- Bao bì dùng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá đã có nhãn
- Túi đựng hàng hoá khi mua hàng
- Bao bì dùng để đựng hàng hoá dạng rời được lấy ra từ bao hàng hóa có định lượng lớn hơn để bán lẻ
- Container đựng hàng, xi tec vận chuyển xăng dầu, chất lỏng, xi măng rời.
3. Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hoá
Những nội dung của nhãn bằng tiếng Việt nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì không được làm hiểu sai nội dung tiếng Việt của nhãn. Nếu ghi những nội dung không bắt buộc bằng ngôn ngữ khác thì không phải dịch ra tiếng Việt nhưng không được làm hiểu sai bản chất, công dụng của hàng hoá và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn. Cùng một nội dung trên nhãn gốc thì kích thước chữ của ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ tiếng Việt.
4. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá
Hàng hoá sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức cá nhân hoàn thiện hàng hoá hoặc thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông phải thực hiện ghi nhãn hàng hoá.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 89/2006/NĐ-CP yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hoá của mình.
Ví dụ: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá có thể yêu cầu nhà sản xuất hoặc tổ chức khác ở trong nước hoặc nước ngoài ghi nhãn hàng hoá do mình nhập khẩu thông qua hợp đồng, thoả thuận nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn hàng hoá khi được lưu thông tại Việt Nam.
Trường hợp nhãn hàng hoá ghi thiếu, ghi không đúng quy định thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá có hàng hoá ghi thiếu, ghi không đúng quy định tự thực hiện hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước việc bổ sung thêm các nội dung ghi thiếu và xoá bỏ nội dung ghi sai.
Bổ sung thêm nội dung trên nhãn thực hiện bằng cách ghi trực tiếp lên nhãn hàng hoá hoặc ghi trên vật liệu khác và gắn chặt (stickers) lên nhãn hàng hoá nhưng không được che lấp những thông tin trên nhãn hàng hoá. Xoá bỏ nội dung ghi sai trên nhãn hàng hoá phải bảo đảm không phục hồi lại được như trước.